Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo “Vai trò của trường Đại học với việc học tập suốt đời của người lớn” tổ chức sáng ngày 16/10.
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống
Nhắc lại sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 29 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập mang tính hệ thống từ nhiều năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới mang tính kế thừa nhưng phải vượt qua nhiều trở ngại. Các vấn đề xã hội nói chung, đặc biệt là giáo dục, đã tồn tại, tích tụ từ rất lâu và thường không thể giải quyết được ngay, mà phải có quá trình, có bước trung gian, không bao giờ hoàn hảo.
Theo Phó Thủ tướng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục xác định có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trước hết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng khi chưa biên soạn xong chương trình, sách giáo khoa từng môn học thì dù có cố gắng mới thì các vấn đề như giảm tải chưa được khắc phục. Nhưng ngành giáo dục cũng tăng cường hơn việc dạy làm người, khôi phục lại nếp hát quốc ca trong lễ chào cờ, vệ sinh trường học, tập thể dục giữa giờ…
Tiếp đó là triển khai lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia trong 6 năm (2015-2020) để quy từ 3 kỳ thi căng thẳng, tốn kém xuống còn 1 kỳ thi gọn nhẹ, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh, xã hội. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã được giao phải xây dựng và công bố phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 vào năm 2019 theo hướng tiếp cận với giáo dục thế giới.
Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện thí điểm tự chủ, thay đổi phương thức quản trị với 23 trường ĐH và trường nghề được tự chủ và tinh thần này đã được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới. Cùng với đó là những đổi mới trong tuyển sinh, tự chủ học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học…
“Tuy nhiên, phần giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập dù đã bắt đầu nhưng chưa được chú ý”, Phó Thủ tướng nhận xét và cho rằng “hội thảo hôm nay chỉ là bước khởi đầu và phải dấy lên thành một mũi đổi mới không kém giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH”. Bởi, để đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì một yếu tố rất quan trọng là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng giúp người lao động thích ứng nhanh hơn với yêu cầu của các nghề nghiệp mới, cũng như tự tạo ra cơ hội, việc làm cho chính mình, không chỉ đối với những người đang nằm trong hệ thống lao động mà cả những người cao tuổi, đã nghỉ hưu. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, chúng ta mới chú ý nhiều đến giáo dục ở trong nhà trường, cung cấp văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc gia thay vì những chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, phổ biến tri thức.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống. Bên cạnh việc ban hành khung khổ pháp lý, định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và phải vào cuộc, để sử dụng tốt nhất nguồn lực gồm khoa học, quản trị, nguồn nhân lực...
Còn nhà trường là nhân tố then chốt, đi đầu trong học tập suốt đời. “Chúng ta đang nói đến việc chưa giảm tải chương trình, sách giáo khoa bên cạnh việc chưa ban hành chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo viên rất quan trọng. Vì để học sinh cảm thấy bớt áp lực, hứng thú với môn học, bản thân giáo viên phải tìm tòi, sáng tạo, tự nâng cao trình độ chuyên môn”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Các trường đại học cần gắn sát với nhu cầu cộng đồng, người dân
Đối với người học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vẫn còn có tình trạng chương trình học tập người lớn được biên soạn, giảng dạy để đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các cơ quan, thay vì nguyện vọng thực sự của người học. Chỉ khi giá trị của cá nhân được đánh giá dựa trên năng lực, tri thức thực sự thì mới tạo ra động lực học tập suốt đời mới bền vững.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người học không nhất thiết phải đến trường hay có văn bằng chính thức mà qua nhiều phương tiện khác nhau nhất là thiết bị di động để học mọi nơi, mọi lúc.
Lúc này vai trò của các trường ĐH, theo Phó Thủ tướng, không chỉ mở các lớp học, khoá học cho người lớn, mà còn phải phát triển các học liệu mở, chia sẻ rộng rãi trong đội ngũ giảng viên, sinh viên, và toàn xã hội. Đây là cơ sở để những người khác sửa đổi, cải tiến phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền.
Các trường ĐH cần gắn sát với địa phương, với nhu cầu khác nhau của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp để vừa phục vụ cho đào tạo chính quy, vừa có những giải pháp hỗ trợ, giúp hệ thống học tập cộng đồng tham gia vào phổ biến tri thức. Hiện nay chưa có sự hỗ trợ mang tính hướng dẫn, trợ giúp của trường ĐH cho các trung tâm học tập cộng đồng ở bên dưới.
“Trường ĐH hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng để trở thành đơn vị học tập mẫu mực thì nhiều trường phải chú ý nhiều hơn”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng khung khổ pháp lý, các chủ trương, chính sách của Bộ phải khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần tự giác, trách nhiệm học tập của cả giáo viên lẫn học sinh, “bớt hướng dẫn cầm tay chỉ việc”.
“Cùng với xã hội, trước hết ngành giáo dục, phải xoá bằng được tất cả những căn bệnh hình thức, gian lận trong môi trường giáo dục. Người thầy phải đi đầu gương mẫu trong tự học và xoá bỏ tiêu cực trong giáo dục. Chúng ta sẵn sàng đưa ra khỏi hệ thống những nhà giáo vi phạm đạo đức”, Phó Thủ tướng lưu ý.
Về phía các địa phương cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hội khuyến học các cấp, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cho tốt. Bởi nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn hình thức, thậm chí gần như không hoạt động, thì cần xem lại cơ chế, tạo điều kiện, chứ không phải là dẹp bỏ, sáp nhập…
Các trường đại học phải thực hiện mô hình đào tạo mở
Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường ĐH không nên coi vấn đề giáo dục ở người lớn là trách nhiệm mà đây quyền lợi được giáo dục suốt đời cho nhiều đối tượng; là động lực để chính bản thân các trường sáng tạo và truyền bá kiến thức đồng thời phải học tập không ngừng để trau dồi thêm nhiều hiểu biết mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Cùng với đó, sinh viên là đối tượng tài nguyên quý giá cho các trường ĐH; vì sau khi ra trường 5 - 7 năm thì họ chính là những người cần cập nhật khoa học công nghệ mới từ chính các trường.
Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường ĐH có mạng lưới các nghiên cứu quốc tế lớn, các liên kết đào tạo, các chương trình tiên tiến… là nơi rất tốt giúp người học tiếp cận nhiều kiến thức đạt chuẩn lao động trình độ cao. Khi các học viên thấy có lợi trong việc khai thác chương trình học thì họ sẽ tự động liên kết chặt chẽ với nhà trường, điều này vừa có lợi cho cả trường và người học.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nhạ đưa ra các giải pháp về mặt pháp lý cho công tác giáo dục người lớn tại các trường ĐH; các trường phải tạo được môi trường thuận lợi cho mọi người được gia nhâp và nghiên cứu học mọi lúc, mọi nơi; hệ thống các chương trình phải “mở” hơn, liên thông nhiều cấp học, nhiều ngành học, tạo tối đa điều kiện cho người học lựa chọn môn học, cách học phù hợp với khả năng trong mỗi thời điểm khác nhau.
Ngoài ra, việc tổ chức các trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ, văn hóa…thì các trường phải là cơ sở cung cấp mọi dịch vụ đào tạo chuẩn, đồng thời, phải kiểm định chất lượng nghiêm ngặt.
“Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường được thực hiện một cách tốt nhất và luôn khuyến khích các trường hình thành nhiều mô hình học liệu mở cho các đối tượng người lớn trong xã hội có mong muốn được đến trường tìm hiểu” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
|
Nhật Hồng - Hà Cường